Bắc Kạn: Cây quế giúp cuộc sống của người dân khởi sắc
Người dân xã Nông Thượng (Bắc Kạn) đã chủ động tìm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo dựa trên chính tiềm năng đất đai của địa phương. Thành quả trông thấy là những đồi quế xanh tốt đang ngày càng mở rộng.
Kinh tế nông lâm nghiệp giữ vai trò chính ở xã Nông Thượng (Bắc Kạn). Một trong những cây trồng chiếm ưu thế và đang có xu hướng tăng lên về diện tích đó là cây quế. Quế được xác định là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao đối với xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, diện tích quế đang tiếp tục được mở rộng và trở thành cây chủ lực tại địa phương.

Quế trồng nhiều ở thôn Tân Thành, Khuổi Chang, Nà Thinh và một số thôn lân cận. Giá 1kg vỏ quế tươi giá bình quân 15.000 đồng/kg tươi, vỏ khô giá 35.000 đồng. Một cây có thể thu từ 200.000 đến 400.000 đồng. Theo tính toán của những người trồng quế 1ha quế ở nơi đất tốt có thể cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Trên thực tế nhiều gia đình đã thu về cả trăm triệu đồng từ cây trồng này.
Bà Triệu Thị Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nông Thượng cho biết: "Nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, xã đã vận động người dân đẩy mạnh trồng quế. Tổng diện tích quế của toàn xã hiện có trên 300ha, tập trung nhiều tại các thôn Tân Thành, Nà Kẹn, Nà Vịt, Khuổi Chang. Khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống của người dân những thôn trồng nhiều quế đổi thay rõ nét. Bà con xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được nhiều ô tô làm phương tiện đi lại".
Thôn Tân Thành có 87 hộ với 407 nhân khẩu; diện tích đất canh tác trên 300ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 90%. Tân Thành trước đây từng là thôn khó khăn. Khoảng năm 1990, cây quế được người dân trong thôn đưa vào trồng thử. Do hợp với khí hậu thổ nhưỡng nên cây quế phát triển nhanh, khỏe. Những năm sau đó, nhiều hộ theo nhau nhân rộng, diện tích quế tăng dần lên. Hiện thôn có 255ha quế. Trong đó diện tích trồng mới năm 2022 khoảng 10ha. Quế là cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc. Nhờ trồng quế, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, mua sắm được những vật dụng sinh hoạt và sản xuất có giá trị. Không những vậy, còn giúp thay đổi nhận thức của bà con, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại địa phương. Năm 2022, thôn giảm được 3/12 hộ nghèo và 3/7 hộ cận nghèo.
Ông Hoàng Hữu Sinh- Trưởng thôn cho biết, Tân Thành không có nhiều đất ruộng để cấy lúa nước như những thôn khác trên địa bàn, nhưng bù lại, đất đồi ở đây lại phù hợp với cây quế. Đây là loại cây trồng chủ đạo giúp thôn giảm nghèo. Hiện thôn có 85 hộ, 100% là đồng bào Dao, hộ nào cũng trồng quế, hộ ít thì 1 - 2ha, hộ nhiều có tới 5ha quế.
Anh Nông Quốc Dưỡng, một hộ dân trong thôn Khuổi Chang chia sẻ, gia đình anh hiện sở hữu 4ha quế. “Tôi mở xưởng thu mua, bóc vỏ quế cho bà con địa phương, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Dù giá thu mua vỏ quế có biến động theo năm, tuy nhiên người trồng quế vẫn có lợi ích kinh tế cao, cây trồng này có triển vọng lâu dài", anh nói.
Ông Nông Văn Cường ở thôn Khuổi Chang có hơn 2 ha trồng quế. Trước đây gia đình ông chỉ biết làm ruộng, cấy lúa nên thu nhập vừa đủ ăn. Từ khi chuyển sang trồng quế, cuộc sống của gia đình ông đã khá hơn. Trong 5 năm tới, rừng quế của nhà ông Cường khi thu hoạch sẽ mang về số tiền khá lớn. Để lấy ngắn nuôi dài, hiện nay gia đình ông đã cho khai thác, bán cành và lá cây để làm tinh dầu quế. Theo ông Cường, cây quế có ưu điểm dễ trồng, ít sâu bệnh, ưa khí hậu mát mẻ, chỉ mất 3 năm đầu chăm sóc, từ năm thứ 7 trở đi, có thể khai thác tỉa thưa.
Theo đánh giá của lãnh đạo xã Nông Thượng, với giá tiêu thụ bình quân 22.000 đồng/kg vỏ quế, cây quế giúp người dân có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/hộ/năm. Riêng năm 2022, xã đã giảm được 9 hộ nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu hiệu quả, bộ mặt nông thôn xã Nông Thượng đang từng ngày khởi sắc.
Văn Hùng, Hoàng Giang, Lê Hạnh