Đa dạng loại hình truyền thông góp phần giảm nghèo thông tin
Các đơn vị đã duy trì thường xuyên “Ngày phổ biến, giáo dục pháp luật”, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và các vấn đề khác để kịp thời cung cấp thông tin tới người dân.
Những năm gần đây, bên cạnh các công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống thông tin cơ sở vẫn tiếp tục phát huy tối đa vai trò tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh các thông tin thời sự; thông báo các sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp như thiên tai, bão lũ, phòng, chống dịch bệnh… đến người dân.
Những mô hình thông tin cơ sở, truyền thông cộng đồng tại tỉnh Tiền Giang là một minh chứng sống động.
Đa dạng loại hình truyền thông góp phần giảm nghèo thông tin
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang tổ chức truyền thông cộng đồng đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) năm 2022, với chủ đề “ Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” tại các huyện Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho.
Tại các buổi truyền thông, đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ các huyện, thành phố được thông tin nhanh về tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh, huyện hiện nay; một số quy định hiện hành về ATGT, kiến thức liên quan đến các vấn đề đảm bảo ATGT cả đường bộ lẫn đường thủy..., với nhiều hình thức phong phú sinh động như trắc nghiệm kiến thức vui có thưởng, clip minh họa, tiểu phẩm về văn hóa giao thông.
Buổi truyền thông giúp cho các chị em nâng cao kiến thức và chấp hành tốt quy định về ATGT và trở thành tuyên truyền viên tích cực cùng cấp Hội tuyên truyền về ATGT, nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mọi người.
Trước đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang được sự hỗ trợ của Ban ATGT tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động CNVCLĐ bảo đảm trật tự ATGT. Theo đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 80 cuộc tuyên truyền ATGT trong CNVCLĐ. Qua đó, giúp CNVCLĐ từng bước hình thành văn hóa giao thông, ứng xử văn minh hơn khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã triển khai, nhân rộng mô hình xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giao thông. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” với 3.200 công nhân, lao động (CNLĐ) tham dự.
Các cấp Công đoàn cũng đã linh hoạt đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền trong CNVCLĐ. Đơn cử như LĐLĐ TP. Mỹ Tho với phong trào “Văn hóa giao thông và chỉnh trang đô thị” kết hợp tuyên truyền ATGT ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; tổ chức cho đoàn viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về ATGT... Cùng với đó, LĐLĐ cấp huyện luôn xem Câu lạc bộ (CLB) “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” là kênh quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền ATGT trong CNVCLĐ thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, phát tờ rơi, tờ bướm...
Hiện toàn tỉnh có 1.239 Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo chuyên môn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho CNVCLĐ đăng ký thực hiện văn hóa giao thông năm 2022. Các LĐLĐ huyện, thành, thị duy trì tổ chức tốt Câu lạc bộ “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” cấp huyện, với 865 tuyên truyền viên, sinh hoạt định kỳ mỗi quý/lần. Đồng thời, các đơn vị đã duy trì thường xuyên “Ngày phổ biến, giáo dục pháp luật”, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT.
Căn cứ vào các chỉ đạo của Trung ương, địa phương và hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền ATGT trong CNVCLĐ với nhiều hình thức, như: Lồng ghép các cuộc họp báo, buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, tờ bướm; thông tin trên bảng tin, mạng nội bộ, các trang mạng Zalo, Facebook của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...
Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, tập trung vào đối tượng CNLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường giám sát đoàn viên, CNVCLĐ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, làm cơ sở đánh giá xếp loại thi đua hằng tháng, quý, năm. Kịp thời, động viên biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở những đoàn viên, CNVCLĐ vi phạm để khắc phục.
Truyền thông cơ sở góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Ngay khi tỉnh Tiền Giang phát hiện ca nghi mắc COVID-19 đầu tiên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành công văn đề nghị ban tuyên giáo các cấp, tuyên giáo các đoàn thể, báo Ấp Bắc, đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cơ sở và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng dịch của cá nhân, gia đình, cộng đồng, gắn với tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 theo chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” của Trung ương, của Tỉnh ủy.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn đảm bảo kịp thời, chuẩn xác, chú trọng thông tin, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo các cấp để người dân tích cực tham gia cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tạo sự an tâm, tin tưởng của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, chính quyền địa phương.
Tiền Giang đã có sự chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức định hướng tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 từ rất sớm; nắm bắt dư luận trong nhân dân… Qua đó, kịp thời giải quyết bức xúc của người dân. Các cơ quan báo chí của tỉnh có nhiều nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng.
Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục chủ động phát triển công tác truyền thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nội dung, hình thức và phương pháp, góp phần đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến gần với người dân.
Xác định công tác truyền thông là “chìa khoá” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thời gian qua, BHXH tỉnh Tiền Giang đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần NQ 96. Công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT ngày càng thể hiện vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng; đóng góp to lớn vào quá trình phát triển tăng số người tham gia BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Tiền Giang. Đây là công cụ đắc lực trong việc thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất về những nội dung liên quan BHXH, BHYT.
Để thực hiện tốt NQ 96, BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn Tiền Giang ngày càng nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả công tác truyền thông; chủ động trong việc truyền thông đối với các hoạt động của đơn vị. Các hoạt động phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng; cách thức truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú. Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT tại địa bàn Tiền Giang được nâng lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
bình quân mỗi năm BHXH Tiền Giang tuyên truyền được 700-800 cuộc hội nghị trực tiếp, với hơn 53.000 lượt người dân tham dự. Số hội nghị tổ chức theo hình thức này năm sau tăng hơn năm trước bình quân khoảng 19% số cuộc và 28% số lượt người tham gia. Khi dịch COVID-19 bùng phát, BHXH tỉnh Tiền Giang, BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn đã linh hoạt vận dụng tuyên truyền nhóm nhỏ theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng đối tượng” . Kết quả, phương pháp này mang lại hiệu quả cao, năm 2020 là 302 cuộc, năm 2021 là 527 và 9 tháng đầu năm 2022 là 2.752 cuộc. Trong thời gian dịch, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng đã tận dụng lợi thế của truyền thông trực tuyến, truyền thông hiện đại lập Fanpage, Zalo OA và kênh Youtube, từ đó tăng lượt người theo dõi, tương tác, hỏi đáp về chính sách BHXH, BHYT, BHTN thông tin qua điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử cá nhân khác.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Tiền Giang liên tục kiện toàn và đổi mới triệt để các hình thức hiện có như nâng cấp, thay đổi giao diện cổng thông tin điện tử, chất lượng và số lượng tin, bài theo hướng hiệu quả, thời sự nhằm đưa lượng thông tin cần thiết đến với người dân trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay, số lượt người truy cập trên cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh Tiền Giang là 1,313 triệu lượt, bình quân mỗi ngày có 1.500 đến 2.000 lượt truy cập. Ngoài ra, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng phối hợp với các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành nhằm tăng cường công tác truyền thông về các chính sách ngành BHXH…
Có thể thấy, những mô hình truyền thông ghi nhận tại Tiền Giang đã phát huy hiệu quả tích cực qua đó góp phần tích cực giúp giảm nghèo thông tin, có thể tham khảo, áp dụng rộng rãi.
Hải Văn