Xác định rõ nguyên nhân để triển khai công tác giảm nghèo thực chất, bền vững
Từ những phân tích nguyên nhân, tỉnh có căn cứ để đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phù hợp, thiết thực với các cách làm sáng tạo, linh hoạt, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, những điểm nghẽn...
Mới đây, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2025. Tỉnh cũng đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021 - 2025 bình quân trên 4%/năm.
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cũng như thiệt hại do thiên tai, tỉnh cũng đã huy động được trên 2.800 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo, toàn tỉnh vẫn giảm 2,28% hộ nghèo so với năm 2020 (chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020), đạt 111% so với chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch số 19 của Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2021.
Trước đó, số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, bình quân mỗi năm, tỉnh giảm được 5,03% hộ nghèo. Riêng 2 huyện 30a là Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3% (từ 81 xã, còn 59 xã); số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% (từ 462 còn 383 thôn, bản)…
Bên cạnh nguồn lực thì việc xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời được coi là giải pháp căn cơ. Từ đó, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, tạo đà để hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, bứt phá vươn lên thoát nghèo.
Quan tâm thực hiện các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận chiều dịch vụ việc làm
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 39.721 hộ, tăng gần 4 lần so với chuẩn nghèo cũ. Nguyên nhân của sự chênh lệch lớn này là do chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 quy định việc xác định hộ nghèo phải đáp ứng cả 2 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Theo đó, tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 lên 6 dịch vụ, bổ sung dịch vụ về việc làm gồm 2 chỉ số: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản tăng lên 12 chỉ số thay vì 10 chỉ số theo tiêu chuẩn cũ.
Chuẩn nghèo mới được cho là thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương khi tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao; thậm chí, nhiều hộ dù đã thoát nghèo những năm trước, nhưng khi áp vào các tiêu chí của giai đoạn mới lại rơi về diện nghèo.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành chức năng nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo; từ đó, có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác giảm nghèo một cách thực chất và bền vững.
Để giảm nghèo hiệu quả phải bám vào thực tế số hộ nghèo và nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm ra giải pháp. Bởi vậy, tỉnh đã tiến hành rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nghèo; phân tích hiện trạng thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn tỉnh, từng huyện, từng xã, từng thôn, bản.
Từ đó một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của tỉnh được chỉ ra như: không có vốn sản xuất, không có đất sản xuất, không có kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất… Chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản chủ yếu là ở việc làm, bảo hiểm y tế, nhà tiêu hợp vệ sinh, chất lượng nhà ở, người phụ thuộc…
Từ những phân tích nguyên nhân, tỉnh có căn cứ để đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phù hợp, thiết thực với các cách làm sáng tạo, linh hoạt, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, những điểm nghẽn, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, cùng với những bài học kinh nghiệm giảm nghèo của giai đoạn trước, Yên Bái tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Trong đó, tiếp tục phân công 52 ban, ngành, sở, tổ chức hội, đoàn thể tỉnh tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ 960 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo.
Việc phân công các cơ quan phụ trách, theo dõi, giúp các xã, thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có sự hỗ trợ, tác động lớn, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, tác phong lề lối làm việc của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ ở cơ sở, đặc biệt các cơ quan được giao nhiệm vụ đã thể hiện rõ trách nhiệm đồng hành cùng địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chẳng hạn, Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan phụ trách, theo dõi, giúp đỡ một số thôn đặc biệt khó khăn của 2 xã Động Quan, An Lạc (Lục Yên). Trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Ban quan tâm hỗ trợ sinh kế cho một số hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Tháng 8/2022, Ban đã trao hỗ trợ sinh kế cây quế giống, lợn giống và gà giống cho 15 hộ gia đình nghèo trên địa bàn xã An Lạc, 10 hộ gia đình nghèo tại xã Động Quan với tổng trị giá 25 triệu đồng.
Tỉnh cũng triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, chống tái nghèo.
Đặc biệt, quan tâm thực hiện các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận chiều dịch vụ việc làm (chiều được bổ sung trong chuẩn mới), phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường thực hiện đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân...
Thạch Thảo, Anh Dũng, Ngân Phương