Tín dụng chính sách giúp chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo
Các chương trình tín dụng ưu đãi đã có tác động tích cực đối với việc chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng môi trường sống...
Gia đình có 3 người con đang tuổi ăn tuổi học, nhưng hai vợ chồng bà Trần Thị Đơn, thôn Diên Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế lại không có việc làm ổn định. Chồng làm thuê, bà ở nhà quanh quẩn với mảnh vườn, không có vốn sản xuất nên ý định đầu tư thêm để phát triển chăn nuôi đều đi vào ngõ cụt.
Năm 2016, bà Đơn đăng ký tham gia và được kết nạp làm hội viên của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) của thôn. Sau đó bà được bình xét và được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay 50 triệu đồng để trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò.
Với nguồn vốn vay ưu đãi, bà đầu tư mua trâu, bò giống, sau những lứa đầu tiên được xuất chuồng, bà có vốn đầu tư phát triển thêm 1ha rừng. Cuối năm 2019, gia đình bà chính thức được UBND xã công nhận là hộ thoát nghèo.
Thấy được lợi ích từ việc vay vốn ưu đãi, bà tiếp tục mạnh dạn xin vay vốn thêm chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để trồng thêm 1ha rừng, mua thêm trâu, bò, mở rộng quy mô.
Hiện gia đình bà đã duy trì được tổng đàn trâu, bò với 19 con và 2ha rừng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình và xây được căn nhà khang trang.
Có thể nói gia đình bà Đơn là điển hình cho thấy ý thức tự vươn lên làm chủ kinh tế, cộng với sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) được sử dụng có hiệu quả đã giúp thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống và có tích lũy.
Từ “cho con cá” sang “giúp cần câu”
Bà Đơn chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp là minh chứng cho thấy hiệu quả của đồng vốn tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững tại Thừa Thiên Huế. Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) đã thay đổi cách tiếp cận người nghèo thay vì “cho con cá” sang “giúp cần câu”, phát huy tính vượt khó vươn lên của bản thân người nghèo, tạo cho người nghèo có thêm động lực phát triển kinh tế.
Được thành lập tháng 4/2003, đến nay mạng lưới giao dịch của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn với 141 điểm giao dịch. Cùng với đó là 2.340 tổ TK&VV tại tất cả các thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh.
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2022/11/20/xoa-doi-giam-ngheo-b4-2-798.jpg?width=0&s=0V09sDUSrCsgKvtMAYFfUA)
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với dư nợ là 236 tỷ đồng, đến nay NHCSXH tỉnh thực hiện 22 chương trình TDCS với tổng dư nợ là 3.622 tỷ đồng, tăng 3.386 tỷ đồng, tăng 15,34 lần so với khi mới thành lập, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 16,38%/năm. Hiện NHCSXH tỉnh đang có 90 ngàn khách hàng còn dư nợ với dư nợ bình quân là 40,5 triệu đồng (tăng 12,2 lần); dư nợ bình quân 1 xã là 25,7 tỷ đồng (tăng 15,1 lần).
Tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua là 13.621 tỷ đồng, với trên 717 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số cho vay bình quân đạt 681 tỷ đồng/năm. Với 2 thập kỷ, đã có trên 274 ngàn lượt hộ nghèo, 76 ngàn lượt hộ cận nghèo, 80 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo và trên 287 ngàn lượt các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH.
Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 21,17% xuống còn 7,0% vào cuối năm 2010; giai đoạn 2011-2015 từ 11,16% xuống còn 4,10% cuối năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 từ 8,36% xuống còn 3,45% cuối năm 2020. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 là 2,99% và theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là 4,93%.
Cùng với nhiều nguồn vốn tín dụng khác, TDCS xã hội đã giải quyết cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn xây dựng nhà ở, xây dựng nhà phòng chống bão lụt, xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết việc làm…
Thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, những chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, hộ đồng bào DTTS&MN khắc phục khó khăn đã được triển khai.
Năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, đã có 15 lượt doanh nghiệp được vay vốn với số tiền 1,8 tỷ đồng để trả lương cho 547 lượt người lao động bị ảnh hưởng đại dịch. Trong năm 2022, đã triển khai cho vay 204,8 tỷ đồng đối với các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Có thể nói, các chương trình tín dụng ưu đãi được bổ sung qua các năm, đa dạng đối tượng thụ hưởng đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng môi trường sống; góp phần ổn định chính trị, an ninh và trật tự xã hội, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS&MN dần được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng.
Cùng với đó, thông qua các chương trình TDCS của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã đã góp phần giúp 64/94 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 2 huyện hoàn thành và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Chí Hùng, Thu Hà, Tô Hùng