Tiền Giang: Hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo; các hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ là chủ hộ vươn lên, thoát nghèo bền vững, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ trong tỉnh.
Xây dựng phương án và có biện pháp cụ thể
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2022, toàn Hội giúp đỡ 7.787 hộ hội viên phụ nữ nghèo, 3.148 hộ nghèo mà phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo thông qua những hình thức trợ giúp thiết thực. Chẳng hạn: giúp đỡ ngày công, cây con giống hoặc trợ giúp vốn ưu đãi thông qua tín dụng chính sách, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế,...
Ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hội các huyện, thành, thị và cơ sở lập sổ sách theo dõi quản lý hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ chủ hộ nghèo, cận nghèo chặt chẽ. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án và có biện pháp cụ thể giúp đỡ các chị em có thêm những điều kiện thuận lợi để thoát nghèo.
Đồng thời, duy trì và phát triển các mô hình tổ tín dụng tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, vốn nhàn rỗi trong hội viên phụ nữ, các tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo... Hàng tháng, các tổ sinh hoạt lồng ghép chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ, giúp nhau ngày công, cây con giống... phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống gia đình.
Hội LHPN tỉnh triển khai và chỉ đạo mạng lưới hội các huyện, thành, thị nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong hệ thống Hội cũng như hoạt động tiết kiệm tín dụng tại các cấp hội đạt chất lượng, hiệu quả.
Mạng lưới cơ sở hội trong tỉnh đã bảo lãnh tín chấp cho gần 3.300 lượt chị em vay trên 69 tỷ đồng từ nguồn vốn NHCSXH tỉnh; trên 13.000 lượt chị em trong diện nghèo, cận nghèo được vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với tổng vốn được vay trên 213 tỷ đồng.
Hội LHPN tỉnh còn tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong SXNN, tư vấn, giới thiệu việc làm... nhằm giúp chị em tìm được những việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập, đời sống.
Đồng thời, tỉnh Hội tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình tạo việc làm hiện có như: tổ làm nhang, tổ may túi xách, tổ đan ghế mây, tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu, tổ may công nghiệp, tổ làm bánh rế hoặc khuyến khích chị em tham gia các Hợp tác xã SXNN... Hiện nay, các tổ hợp tác ngành nghề và HTX thu hút hàng ngàn lao động nữ, chị em có thu nhập ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thành lập thêm hàng chục Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh thu hút hàng trăm chị em hội viên phụ nữ; tổ chức 21 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp thu hút gần 500 chị em có nhu cầu, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 lượt chị em và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình cho gần 1.000 chị em.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", từ đầu năm đến nay, có gần 200 lượt hội viên phụ nữ được hỗ trợ vốn khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh với tổng số vốn trên 3,3 tỷ đồng.
Những năm vừa qua, tại tỉnh Tiền Giang, Đề án 939 đã được cụ thể hóa và đạt được những kết quả nổi bật; qua đó giúp nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp, khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ ngày nay.
Trong gần 05 năm qua, các cấp Hội LHPN đã hỗ trợ, phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.635 lao động nữ có nhu cầu tìm việc làm; mở 201 lớp đào tạo nghề cho 4.539 lao động nữ có nhu cầu khởi nghiệp được tham gia các lớp học nghề: May, đan, nấu ăn, trồng lúa, kỹ thuật trồng sầu riêng, thanh long, trồng bưởi, trồng rau an toàn, lúa cao sản, cây cảnh, nuôi thủy sản, lớp về kỹ thuật chăn nuôi heo,...
Bên cạnh đó, các cấp hội còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như: Đan dây nhựa, đan giỏ xách, đan lục bình, may túi xách... Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học như: trồng khóm, khoai mỡ, trồng lúa, nuôi heo, nuôi gà, vịt, chăm sóc sầu riêng, cây mít, cây lúa...
Đặc biệt, qua 04 năm phát động Hội thi "Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp" đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Qua đó, thu hút 726 bài dự thi cấp tỉnh, trong đó Tỉnh Hội chọn 46 dự án tham gia dự thi cấp Trung ương. Kết quả, có 14 dự án vượt qua vòng sơ khảo, trong đó có 09 dự án vào vòng thi Chung kết cấp vùng và có 01 đạt giải "Khát vọng" ở vòng Chung kết toàn quốc.
Ngoài ra, Tỉnh Hội đã tạo điều kiện cho 03 HTX do phụ nữ quản lý tham gia hoạt động "Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm hàng Việt" tại TPHCM, TP. Cần Thơ với các mặt hàng chủ lực do phụ nữ khởi nghiệp.
Hướng dẫn hội viên, phụ nữ hiện thực hóa 167 ý tưởng kinh doanh như: Mua bán tạp hóa, sản xuất và mua bán nước suối đóng chai, trồng và nhân giống cây, mua bán hủ tiếu, bánh canh, mỹ phẩm,... Trao phương tiện sinh kế cho 55 chị phụ nữ nghèo để có vốn khởi nghiệp số tiền 250 triệu đồng như: Mua xe nước mía, xe bánh mì, dụng cụ bàn ghế, chén đĩa mở quán ăn,...
Đồng thời, kết nối với NHCSXH, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang, hỗ trợ vốn vay cho 1.633 hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, với số tiền trên 29 tỷ đồng; hỗ trợ 180 doanh nghiệp nữ mới thành lập, trong đó Hội đã vận động thành lập 10 doanh nghiệp nữ.
Hồng Khanh, Duy Tuấn, Thu Huyền