Thanh Hóa: Vận dụng các giải pháp sáng tạo trong thúc đẩy giảm nghèo, hạn chế tái nghèo
Tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay trong việc thúc đẩy giảm nghèo, hạn chế tái nghèo tại các địa phương.
Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo ở tỉnh Thanh Hóa luôn có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bằng những giải pháp cụ thể, từ công tác tuyên truyền vận động người dân; định hướng, hướng dẫn phát triển kinh tế; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường tập huấn khoa học - kỹ thuật... đã tạo động lực và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.
Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều giải pháp chiến lược, thể hiện sáng tạo, cách làm hay trong việc thúc đẩy giảm nghèo, hạn chế tái nghèo tại các địa phương.
Nhiều giải pháp sáng tạo
Tỉnh xác định, có rất nhiều nguyên nhân làm cho người dân rơi vào nghèo đa chiều, nhưng những nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến là hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; lao động tại địa phương thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững…
Trước thực trạng này, một trong những giải pháp được tỉnh triển khai là kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi với các huyện miền núi. Chẳng hạn, việc kết nghĩa giữa thị xã Bỉm Sơn với huyện Lang Chánh đã và đang tạo thành những chiếc cầu nối tích cực trong công tác giảm nghèo. Huyện Lang Chánh đã hỗ trợ thị xã Bỉm Sơn xi măng và các nguồn lực khác để giúp hoàn thành được các tiêu chí giao thông, nhà ở dân cư và vườn hộ, môi trường và an toàn thực phẩm.
Huyện Lang Chánh cũng hỗ trợ thị xã Bỉm Sơn chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hướng dẫn hỗ trợ mô hình trang trại chăn nuôi, hình thành mô hình hợp tác xã đáp ứng các tiêu chuẩn.
Đến nay, Bỉm Sơn đã phát triển được 13 mô hình hợp tác xã, hơn 100 trang trại hàng hóa. Các mô hình này đang giúp người dân nâng cao tay nghề, kỹ năng trong sản xuất và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ, chính sách của Nhà nước cơ bản như: chính sách giảm nghèo, tham gia bảo hiểm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhà ở…
Được sự hỗ trợ tích cực từ huyện gần kề kết hợp với các giải pháp giảm nghèo, đến nay thị xã Bỉm Sơn chỉ còn 203 hộ nghèo, chiếm 1,22% tổng số hộ dân, giảm 37 hộ so với đầu năm 2022. Địa phương cũng chỉ còn 174 hộ cận nghèo, chiếm 1,04% tổng số hộ dân, giảm 8 hộ so với đầu năm 2022 theo Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Từ việc thực hiện kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, các chính sách hỗ trợ gắn với các công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất... đã hiện hữu. Nhiều địa phương đã được đỡ đầu trong công tác giảm nghèo, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên. Kết quả là sau gần 5 năm thực hiện chính sách, từ 100 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên đã giảm xuống còn 6 xã vào đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của các hợp tác xã có ý nghĩa rất quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững. Kết quả đạt được của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã những năm qua trong xóa đói giảm nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số rất rõ nét, đóng góp căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều hợp tác xã đã kết nối thị trường đầu vào, đầu ra, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, thông qua nhiều hình thức khác nhau như các diễn đàn kết nối nông sản, phiên chợ, hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng trang web, sàn giao dịch... Tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, tăng cường, đổi mới phương thức chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.
Tiêu biểu tại xã Cổ Lũng (Bá Thước) có nghề chăn nuôi vịt truyền thống. Từ khi hợp tác xã phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng được thành lập, các thành viên trong hợp tác xã được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo giá được thỏa thuận… Đến nay, vịt Cổ Lũng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho các thành viên hợp tác xã cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã Cổ Lũng, nhiều hộ còn thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi này.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng những giải pháp sáng tạo, hiệu quả công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành, tỷ lệ giảm nghèo chung cả tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ở các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa sẽ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, với mục tiêu phấn đấu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo. Đồng thời từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tỉnh đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.
Văn Bắc, Thu Hà, Ngọc Ánh