Thành công bước đầu trong chiến lược truyền thông thay đổi từ nhận thức đến hành vi
Mô hình ở Hiếu Tử là minh chứng sống động về những thành công bước đầu khá quan trọng trong chiến lược truyền thông thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ô Trôm là một trong bảy ấp của xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm hơn 90% so với số hộ chung toàn ấp.
Do đó bị ảnh hưởng nhiều bởi những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu, những tục lệ cộng với do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, sự phát triển của công nghệ thông tin (điện thoại di động, internet...), nhiều em trong độ tuổi 13 - 17 tuổi đã có điện thoại di động, dễ dàng liên lạc, trao đổi thông tin nên dễ nảy sinh tình cảm sớm, quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải cưới mà không đăng ký kết hôn nên những năm trước đây địa phương này thường xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã ảnh hưởng nặng nề đến bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng nguồn nhân lực và là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội và sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Chính vì vậy, ngay từ khi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoan 2015 - 2025” đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, những người có uy tín và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt từ Hội Liên hiệp phụ nữ.
Vào cuộc từ sớm, cuối năm 2020, Hội LHPN xã Hiếu Tử thành lập và tổ chức Lễ ra mắt CLB “Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc Khmer” tại ấp Ô Trôm.
Sau hơn 2 năm thành lập CLB với công tác tuyên truyền hiệu quả thiết thực thông qua các hoạt động lồng ghép của Hội, CLB được triển khai những thông tin, các kiến thức, tờ rơi về Luật Bình đẳng giới, Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, dân số và kế hoạch hóa gia đình,... các vấn đề liên quan đến nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như các hệ lụy của nó để các thành viên CLB tuyên truyền, vận động, chia sẻ thông tin cho gia đình, người thân, họ hàng, xóm ấp nơi mình cư trú, góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân trên địa bàn xã.
Đồng thời Hội cũng chú trọng tuyên truyền về hệ luỵ của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các bậc cha mẹ, học sinh cấp THCS trở lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và các thanh thiếu niên trong cộng đồng.
Dần dần, trình độ dân trí và ý thức của người dân được cải thiện, nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dần được xóa bỏ.
Hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nơi có khả năng tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao như ấp Ô Trôm giảm đáng kể.
Theo báo cáo của Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Tiểu Cần cho biết năm 2022 toàn huyện có 6 trường hợp tảo hôn. Trong đó xã Hiếu Tử mặc dù còn 1 trường hợp tảo hôn dưới 18 tuổi nhưng không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Mô hình CLB “Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc Khmer” ở Hiếu Tử là minh chứng sống động về những thành công bước đầu khá quan trọng trong chiến lược truyền thông thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Những đóng góp tích cực của Hội liên hiệp phụ nữa xã Hiếu Tử đã được ghi nhận.
Hội được Ban Dân tộc Trung ương chọn điểm tại xã Hiếu Tử làm mô hình “Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2022-2025 tại ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer (ấp Ô Trao và Ô Trôm).
Yến Hưng