Sản xuất chè hữu cơ, người Dao thoát nghèo phát triển bền vững
Ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang), cây chè Shan tuyết không chỉ là kế sinh nhai mà còn là con đường thoát nghèo của nhiều hộ gia đình người Dao.
Hàng ngàn tấn chè đen, chè xanh hữu cơ được xuất đi các thị trường khó tính như Ðức, Mỹ, Canada ... mở hướng phát triển bền vững cho vùng chè cổ thụ vốn được coi là "vàng xanh" của núi rừng Hà Giang.
Xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì ít có cây chè nơi nào sánh được với chè Cao Bồ. Bởi, trung bình mỗi cây chè nơi đây đều có “thâm niên” trên dưới 40 năm, thậm chí ở vương quốc chè cổ thụ này có nhiều cây lên tới hàng trăm năm tuổi.

Theo kinh nghiệm và lời của các cao niên trong bản, chè cổ thụ ở nơi đây tồn tại từ đời này qua đời khác, không ai biết giống chè này từ đâu mà có, song ai cũng coi đây là “báu vật” trời cho, là kho “vàng xanh” của người dân Cao Bồ.
Điểm đặc trưng của cây chè Shan tuyết Cao Bồ chính là “tuyết ở lá chè”. Những cây chè trồng ở độ cao dưới 400m so với mực nước biển thì không bao giờ có tuyết. Như ở vùng Cao Bồ, cây chè được trồng ở độ cao tới 1.000m so với mặt nước biển nên tuyết nằm ở cánh chè. Đó là những sợi lông tơ khi đem sao lên mới chuyển màu trắng, trắng thì gọi là tuyết.
Với màu nước xanh, vàng sánh cùng vị chan chát, ngọt hậu và hương thơm dịu nhẹ đặc trưng, chè Shan tuyết Cao Bồ được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến và ưa chuộng. Chè Shan tuyết nơi đây hầu hết đều là chè cổ thụ, có tuổi đời từ 100 – 400 năm tuổi, sinh trưởng hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, với môi trường trong lành, nên cho ra những búp chè thơm ngon và thuần khiết.
Nhiều năm trước đây, giá chè rất rẻ, cũng chưa mấy ai quan tâm đến sản phẩm chè hữu cơ. Cộng đồng người Dao khi ấy không mặn mà gì với cây trồng này. Nhưng bây giờ, cùng với các chương trình hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương, bà con vùng dân tộc thiểu số như hộ gia đình nhà anh được tham dự các khóa học kinh doanh, buôn bán, học kỹ thuật chế biến chè hữu cơ, thậm chí được hỗ trợ tiền xây nhà xưởng. Nhờ đó, các sản phẩm mà người dân làm ra đạt chuẩn, cây chè Shan tuyết ở xã Cao Bồi cũng được nâng tầm.
Gây dựng thương hiệu
Chè Shan tuyết Cao Bồ dần gây dựng được thương hiệu, giá thành sản phẩm tăng đáng kể và giá bán chè búp tươi cũng được nâng lên, dao động từ 20 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg, tùy từng loại theo yêu cầu của cơ sở chế biến, nên người dân trong thôn, xã tập trung chăm sóc, thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết.
Hiện, Cao Bồ có 1.000 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch 757 ha. Sản lượng năm 2022 ước đạt 1.180 tấn, tăng 44 tấn so với năm 2021, đem lại giá trị hơn 14 tỷ đồng. Ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết, những năm gần đây, chè Shan tuyết của xã ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt năm 2015, 220 cây chè cổ thụ của xã được công nhận Cây Di sản Việt Nam và năm 2018 Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, trong đó có diện tích chè ở Cao Bồ càng khẳng định thêm uy tín và thương hiệu cho chè Shan tuyết Cao Bồ.
Cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ để giữ gìn thương hiệu chè Shan tuyết. Hiện cả 11 thôn trong xã Cao Bồ đều trồng chè. Các hộ gia đình trong địa bàn xã (96% là dân tộc Dao, 3% là người dân tộc Tày) đều làm chè hữu cơ và xác định giữ thương hiệu chè hữu cơ là cốt lõi. Tất cả các thôn bản đều có quy ước bảo vệ thương hiệu chè hữu cơ, nghiêm cấm 100% gia đình không được sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Người dân được khuyến khích tăng cường liên doanh, liên kết để sản xuất, chế biến chè theo chuỗi giá trị; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè. Trên địa bàn xã hiện có 3 HTX sản xuất, chế biến chè; trong đó có 1 sản phẩm chè Vàng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; có Công ty Cổ phần trà Hữu cơ Cao Bồ và 9 cơ sở sản xuất chế biến chè của tư nhân. Các cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, đưa KT-XH địa phương phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Văn Hùng, Minh Thúy, Lê Hạnh