Phát huy hiệu quả các mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững tại Mường Chà
Nhờ áp dụng các mô hình sinh kế phù hợp, công tác giảm nghèo ở huyện Mường Chà (Điện Biên) đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Huyện biên giới Mường Chà (Điện Biên) có 13 dân tộc, với trên 92% dân số là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, nhất là chú trọng, phát huy các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các mô hình kinh tế phù hợp, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Chà có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Xác định nguyên nhân thiếu tư liệu sản xuất và thiếu vốn sẽ khiến cho nhiều gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo, do vậy, từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Mường Chà đã hỗ trợ chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Những câu chuyện từ thực tế
Trước đây, gia đình anh Giàng A Chía, bản Na Sang, xã Na Sang chủ yếu canh tác lúa nương hoặc ngô nhưng năng suất không cao. Thậm chí có những năm thời tiết không thuận lợi dẫn đến mất mùa, khiến cuộc sống thiếu thốn, đói ăn.
Qua thông tin tuyên truyền của cán bộ xã, anh biết đến chương trình hỗ trợ giảm nghèo đang được huyện triển khai nên đã đăng kí tham gia. Sau 6 năm được chương trình hỗ trợ về giống, kỹ thuật, chuyển đổi từ ngô, lúa nương sang trồng dứa gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, mỗi năm còn có thể tiết kiệm được cả trăm triệu đồng từ việc bán dứa.
Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, tổng diện tích dứa trên toàn huyện đã được mở rộng hơn 200ha, tập trung chủ yếu ở xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông... Để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, huyện còn hướng người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
Một mô hình khác là mô hình chăn nuôi bò theo nhóm được triển khai đầu tiên tại bản Huổi Đáp, xã Pa Ham, sau đó nhân rộng tại nhiều xã khác đã góp phần tích cực vào giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Mô hình được thực hiện năm 2016, với mỗi nhóm có 6 hộ tham gia.
Các gia đình hội viên tự nguyện tham gia “Dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi. Đến nay đàn bò đã phát triển và mang lại lợi nhuận cho bà con. Mô hình xây dựng và phát triển theo tinh thần gắn trách nhiệm và thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường của người dân trong làm kinh tế, hướng đến thoát nghèo.
Một thí dụ khác, năm 2019 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai Dự án mô hình nuôi bò cái sinh sản giống địa phương năm 2019 - 2020, thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Chương trình 30a tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng.
Ban đầu, dự án được triển khai từ tháng 7/2019 cho 28 hộ nghèo với nguồn kinh phí hơn 594 triệu đồng. Qua 18 tháng thực hiện, số bò khi kết thúc dự án là 24 con, tăng 10 con, số bò có chửa là 7 con. Tổng giá trị đàn bò tăng thêm so với ban đầu là hơn 80 triệu đồng. Đến nay, nhiều nông dân các xã vùng cao trên địa bàn huyện cũng áp dụng mô hình nuôi bò theo nhóm, nuôi bò sinh sản. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
V.v...
Có thể thấy, thông qua các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế... không chỉ giúp bà con trên địa bàn các xã nói riêng, toàn huyện nói chung xóa được đói, giảm được nghèo mà quan trọng hơn nó làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức tự vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã và đang có chuyển biến rõ nét. Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có hơn 800 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, số lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề là trên 1.200 người.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân, nhất là người nghèo, cộng đồng dân cư nâng cao vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, để không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng phân cấp, trao quyền cho người nghèo và chính quyền cơ sở trong tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo quy hoạch; khai thác, huy động thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo.
Hồng Liên, Huy Phúc, Ngọc Ánh