Kon Tum: Khi chính sách tín dụng giúp người dân vươn lên thoát nghèo
Với sự nỗ lực và tinh thần vượt khó, ông Toàn đã thoát nghèo và trở thành người người giàu có của thôn Đắk Wâk với hơn 3 ha cà phê, hai ao cá và một trang trại lợn. Đầu năm 2022, ông vay thêm 800 triệu đồng để mở cửa hàng thức ăn cho thú cưng.
Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Tại đây, điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chương trình cho vay từ nguồn vốn phát triển kinh tế của các ngân hàng chính sách, xã hội đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Mười lăm năm trước, ông A An Toàn, người Giẻ Triêng, là một trong những người nghèo nhất của thôn Đắk Wâk, xã Đắk Krông, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Tuy đất đai rộng, ông chỉ biết trồng lúa và sắn, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình và phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Dám nghĩ, dám làm
Mọi chuyện thay đổi vào năm 2013, khi ông được vay 120 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để đầu tư trồng cà phê và mua bò giống về nuôi. Quá trình trồng trọt và chăn nuôi phát triển thuận lợi, ông tiếp tục đầu tư mua thêm con giống. Ngoài nuôi bò, ông làm thêm trại lợn và cải tạo ao để nuôi cá.
Với sự nỗ lực và tinh thần vượt khó, ông Toàn đã thoát nghèo và trở thành người người giàu có của thôn Đắk Wâk với hơn 3 ha cà phê, hai ao cá và một trang trại lợn. Đầu năm 2022, ông vay thêm 800 triệu đồng để mở cửa hàng thức ăn cho thú cưng.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Toàn khẳng định sẽ tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình nuôi lợn. Đồng thời, ông sẽ giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, cùng vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ Đắk Krông, toàn bộ 12 xã của huyện Đắk Glei đều được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế của các ngân hàng chính sách, xã hội. Ông A Lê Chúc, phó giám đốc Agribank, Chi nhánh huyện Đắk Glei cho biết, 5 năm trở lại đây, dư nợ của khách hàng là người dân tộc thiểu số đã tăng gấp đôi, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo.
“Ngày càng nhiều người dân tộc thiểu số chủ động đến vay và được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế của ngân hàng chúng tôi. Họ thường triển khai trồng cà phê, cao su và chăn nuôi bò”, ông Chúc cho biết.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có
Ông A Klok, người Xê Đăng ở làng Đắk Tang, xã Đắk Sú, huyện Ngọc Hồi, được biết tới là nông dân điển hình về sản xuất giỏi của huyện. Không để đói nghèo đeo bám, ông trăn trở tìm một mô hình trồng trọt phù hợp với điều kiện của gia đình và điều kiện tự nhiên của địa phương. Cách đây 15 năm, ông mạnh dạn vay 500 triệu đồng để trồng 3 ha cà phê. Làm ăn ngày một phát triển, ông vay thêm vốn, mở rộng vườn cà phê lên thành 8 ha. Hiện tại, kinh tế gia đình ông ổn định. Ông còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương.
Ông A Klok không giấu được nỗi xúc động của mình : “Năm nay, chúng tôi dự kiến thu được 120 tấn cà phê tươi. Tất cả nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung, nói riêng là đồng bào dân tộc Xê Đăng ở xã Đắk Sú đây”.
Theo ông, việc hỗ trợ vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng hành trong đa dạng sinh kế của ngân hàng không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Qua đó, đã có rất nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo bền vững như gia đình ông.
Ngoài hỗ trợ tài chính, chính quyền các địa phương ở Kon Tum còn thực hiện các chương trình khác, chẳng hạn như phổ biến các kỹ thuật sản xuất mới và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Mọi nỗ lực được thực hiện nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có để thoát nghèo bền vững và trở nên giàu có.
Kiều Nga, Lê Hạnh, Đắc Vịnh