Đổi thay đời sống bộ tộc người Đan Lai ở Nghệ An
Trước đây, người Đan Lai từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do đói nghèo và hôn nhân cận huyết thống. Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và nhà nước, cuộc sống của họ ngày càng được cải thiện.
Trên địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, bản Cửa Rào được biết đến như xóm tái định cư đầu tiên của người Đan Lai. Chị La Thị Nguyệt là người Đan Lai đầu tiên tại đây viết đơn xin được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Vừa phơi mè, chị vừa phấn khởi cho biết, từ ngày về nơi ở mới, bà con trong xóm được hướng dẫn cách trồng lúa, ngô, keo, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống của người dân địa phương tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã ổn định hơn trước.

Giải pháp sinh kế bền vững
Gia đình chị Nguyệt thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Gần nhà chị Nguyệt, gia đình anh La Văn Sơn cũng thoát nghèo nhờ trồng các loại cây lương thực, hoa màu kết hợp chăn nuôi dê, trồng hơn 2 ha gỗ xoan và làm kinh tế trang trại. Mỗi năm, anh thu nhập hàng chục triệu đồng.
“Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện. Chúng tôi đã được hòa mạng điện lưới quốc gia. Cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hành, chăm sóc sức khỏe”, bà La Thị Hương, 80 tuổi, người dân Cửa Rào, chia sẻ.
Từ hai mươi hộ dân ban đầu, hiện nay Cửa Rào có 36 hộ dân, tương đương gần 170 nhân khẩu. Người dân đã làm chủ được sản xuất nông nghiệp và đang nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Ngoài ra, một số phong tục lỗi thời như kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống và tang lễ kéo dài không còn.
Phó chủ tịch UBND xã Môn Sơn, Ngân Văn Trường, cho biết ngoài trồng ngô, keo và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ đã mở cửa hàng tạp hóa, thậm chí đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Tất cả mọi người đều có nhà ở kiên cố, được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch, trẻ em đều được đến trường.
Đề án bảo tồn người dân tộc
Năm 2006, chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Đề án đặt mục tiêu di rời 146 gia đình ở hai bản Búng và Cò Phạt ra khỏi rừng sâu. Ngoài ra, 30 hộ ở lại bản Cò Phạt được đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.
Một năm sau, năm 2007, 44 hộ dân tiếp theo đã được rời rừng đến xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông lập nghiệp. Kể từ đó, hàng trăm người Đan Lai đã được đến nơi ở mới.
Theo ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông, tại các khu tái định cư Cửa Rào, Tân Sơn (xã Môn Sơn) và Thạch Sơn, Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn), không chỉ được nhà nước hỗ trợ xây nhà kiên cố, người Đan Lai còn được cấp đất sản xuất, con giống, phân bón và nông cụ. Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nông, lâm nghiệp, chăn nuôi được tổ chức.
Nếu như trước đây người Đan Lai sống bằng nghề hái lượm và sản xuất tự nhiên thì ngày nay họ chăn nuôi trâu, bò và lợn theo hình thức nuôi nhốt. Họ biết canh tác lúa nước, dù ở nơi di cư đến hay vùng lõi Pù Mát. Ngoài khai thác lâm sản, giờ đây họ đã biết trồng và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Lô Thanh Huân, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, cho biết xã có khoảng 20 người Đan Lai đã đi xuất khẩu lao động và khoảng 30 người đang làm công nhân cho các công ty nước ngoài ở ngoài tỉnh. Nhiều người khác cũng có công việc thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Chính quyền địa phương đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ người Đan Lai nhân rộng mô hình sinh kế nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Kiều Nga, Thu Huyền, Bích Hạnh