Cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với đoàn viên thanh niên nghèo
Đoàn Thanh niên xã chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác hàng năm, hợp đồng ủy thác ký kết, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn vay của hộ vay vốn.
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng thông qua các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh. Thông qua phương thức cho vay ủy thác, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, từ đó từng bước thoát nghèo.
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã ký kết ủy thác với 4 tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Tại các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội này cũng đã phát huy tốt vai trò "cầu nối" để đưa đồng vốn chính sách đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách thiết thực, hiệu quả.
Phát huy vai trò của Đoàn xã
Đoàn xã Sơn A (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) có 12 chi đoàn trực thuộc với 291 cán bộ, đoàn viên thanh niên. Hoạt động ủy thác của Đoàn xã với ngân hàng chính sách xã hội đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với đoàn viên thanh niên nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Để đoàn viên thanh niên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, Đoàn xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đoàn viên thanh niên, nhân dân bằng nhiều hình thức: lồng ghép các buổi sinh hoạt thường kỳ của các chi đoàn, tổ tiết kiệm và vay vốn, zalo nhóm.
Đoàn xã chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác hàng năm, hợp đồng ủy thác ký kết, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn vay của hộ vay vốn. Công tác thực hiện giải ngân cho vay kịp thời, chất lượng tín dụng được nâng lên, các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, kiện toàn và hoạt động đúng quy định, hiệu quả.
Hàng năm, Đoàn xã phối hợp với Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội thị xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác vay vốn cho cán bộ hội ủy thác, đội ngũ trưởng thôn bản, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, mỗi năm Đoàn xã kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn, tại mỗi tổ kiểm tra từ 90% số hộ vay vốn trở lên, 100% món vay trong phạm vi 30 ngày sau khi ngân hàng giải ngân.
Tính đến 30/6/2022, tổng số dư nợ ủy thác vay vốn của Đoàn xã quản lý là 12,31 tỷ đồng, tiền gửi tiết kiệm 663 triệu đồng với 5 tổ tiết kiệm và vay vốn và 221 hộ vay.
Hiện nay, các hộ vay vốn đều tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn với mức 100.000 đồng trở lên/tháng/tổ viên. Có nhiều hộ đoàn viên thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả.
Hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của tổ chức đoàn đạt hiệu quả cao là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bên cạnh đó, Đoàn xã đã triển khai kịp thời các văn bản mới cho cán bộ Đoàn theo dõi, quản lý chương trình ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo 100% đoàn viên thanh niên nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội.
Tổ chức Đoàn cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề... giúp các hộ nghèo, đoàn viên thanh niên vay vốn tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả cùng với tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng chính sách, tăng cường quản lý dư nợ ủy thác.
Đoàn xã đã tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động vay vốn từ hội ủy thác đến các tổ tiết kiệm và vay vốn bảo đảm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thường xuyên nắm tình hình hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, việc sử dụng vốn vay, diễn biến tình hình trả nợ của hộ vay... để có giải pháp thu hồi nợ khi đến hạn, bảo đảm nguồn vốn ủy thác sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy tối đa hiệu quả.
Đặc biệt, hình thức ủy thác này còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định ở nông thôn; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, phát huy các sản phẩm đặc thù tại địa phương; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự họ vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp nông thôn thực sự khởi sắc.
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều đoàn viên thanh niên thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các tổ hợp tác kinh tế mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả.
Hiệu quả của chương trình giảm nghèo không chỉ thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm mà mức sống bình quân của hộ nghèo cũng được nâng lên so với trước kia.
Nguyễn Thảo, Đăng Tấn, Bích Hạnh