Nhìn vào cấu trúc hệ thống an sinh xã hội ngày càng được củng cố với 4 phần gồm: Chính sách phòng ngừa (đào tạo, dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo…); chính sách giảm thiểu, bù đắp rủi ro (BHXH, BHYT); chính sách khắc phục rủi ro (trợ cấp đột xuất và trợ cấp thường xuyên) và cuối cùng là việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông…) sẽ thấy, trong 4 phần đó, chính sách BHXH, BHYT là trụ cột, quyết định cả hệ thống an sinh xã hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, sau chặng đường 25 năm, ngành BHXH đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu lớn như: Số người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, dẫn dầu về ứng dụng CNTT… Qua các cuộc khảo sát, niềm tin, sự hài lòng của người từng bước được cải thiện, tăng cao.
Chiều 5/12/2022, tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Với trên 90% dân số có thẻ BHYT, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống - Đây là thành quả, sự quyết tâm chính trị trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Theo bà Trương Thị Mai, chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng. Tuy nhiên, phải đến nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Luật BHYT mới quy định cụ thể: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đồng thời, là bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.
Qua thực tế triển khai cho thấy, chính sách BHYT đã phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
Bên cạnh đó, tham gia BHYT còn mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm.
Bà Trần Thị Hoa, 60 tuổi, Phường Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tôi không có lương hưu, kinh doanh tự do chỉ đủ chi trả sinh hoạt hàng ngày. Tôi lại bị bệnh cao huyết áp, hàng tháng phải đến bệnh viện để khám định kỳ và lĩnh thuốc. Tôi đã tham gia BHYT tự nguyện hơn 10 năm nay nên khi đi khám theo chính sách BHYT đã giúp tôi giảm bớt nhiều chi phí vì BHYT đã thanh toán đến 80%, nhiều đợt ốm đau phải nằm viện tôi thấy yên tâm về tài chính. Với người lao động tự do mà còn cao tuổi như tôi thì tấm thẻ BHYT là một thứ không thể thiếu, tôi cất giữ thẻ cẩn thận và để cùng với các giấy tờ quan trọng khác”.
Nhìn lại hành trình phát triển 25 năm qua, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi các nội dung để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Thành quả đạt được thể hiện qua diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng, đến tháng 8/2019 là 14,65 triệu người (tăng khoảng 5,7 lần). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, có 6,11 nghìn người tham gia thì đến tháng 8/2019 con số này là 437 nghìn người (tăng 70 lần). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 12,9 triệu người ở thời điểm tháng 8/2019.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT. Tính riêng trong năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có 04 người bệnh được quỹ BHYT chi trả trên 3 tỷ đồng,
Sau 25 năm triển khai luật, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Qua gần 10 năm thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003-2018, ngành BHXH, ngành y tế đã phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Triển khai cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong bảng xếp hạng chung khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý…
Thời gian qua, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đã có trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia như: Tăng cường các hoạt động truyền thông cao điểm nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân và nhân Ngày BHYT Việt Nam; chú trọng rà soát, phân loại người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo địa bàn cấp xã để thực hiện các phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông cho phù hợp..
Có được kết quả trên là do chính sách BHXH tự nguyện đã được bổ dung, sửa đổi tương đối phù hợp. BHXH tự nguyện hiện không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Các phương thức đóng đa dạng và linh hoạt (bổ sung thêm các phương thức đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm); đóng một lần cho những năm còn thiếu); Nới rộng thời điểm đóng, có thể đóng trong tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần; trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần; trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng phù hợp hơn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng). Trước đây (trước năm 2016), mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đây là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia.
Nhiều địa phương giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến cấp huyện và cấp xã. Thủ tục hành chính luôn được rà soát, tinh giản, rút gọn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ được đẩy mạnh, giao dịch điện tử cấp độ 3, 4 được áp dụng đảm bảo thuận lợi nhất cho người tham gia.
Nhiều hình thức tuyên truyền mới được áp dụng. Việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng ngay từ đầu năm giúp BHXH cấp tỉnh, cấp huyện chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý; kịp thời gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng tiền để biết và chủ động tham gia.
Công tác quản lý, chăm sóc khách hàng được quan tâm, vướng mắc của người dân được giải quyết kịp thời. Các hội nghị giao ban tực tuyến toàn quốc hàng tháng được duy trì đã phát huy hiệu quả rõ rêt, thông qua các hội nghị, những vướng mắc được giải quyết kịp thời, những kinh nghiệm hay, kết quả tốt được chia sẻ; đơn vị, cá nhân có thành tích được biểu dương, khen thưởng đã động viên, khích lệ cán bộ viên chức tích cực thi đua hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Hệ thống đại lý, mạng lưới cộng tác viên được mở rộng. Đến nay, toàn quốc có trên 12.400 đại lý thu BHXH, BHYT, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu. Hệ thống đại lý thu đến từng xã, phường, thị trấn; mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt việc phối hợp tổ chức Hội nghị trực tiếp với người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.
Hoài Thanh, Bình Minh, Văn Minh, Hồng Liên, Mỹ Hòa, Quang Phong, Thanh Thủy, Diệu Bình, Bạt Tuấn, Nguyễn Lâm và nhóm PV