Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ: Chúng ta đã xây dựng xong thể chế, cơ chế, quy định, bây giờ phải tập trung triển khai. Trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố. Các đồng chí phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; tuyên truyền, quán triệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cho đến cán bộ, người dân về nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Tiếp đó, ngày 29 tháng 7 năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (Ban Chỉ đạo Trung ương) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Khẩn trương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua Nghị quyết và thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định; hoàn thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2022.
Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022; phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu để chậm tiến độ phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế.
Trên tinh thần đó, các tỉnh, thành phố đang rốt ráo đẩy mạnh triển khai thực hiện tại địa phương.
Ngày 24/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 440/KH-UBND truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình hiệu quả về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các câu hỏi của người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và câu trả lời của các cơ quan chức năng quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đăng tải trên trang thông tin giảm nghèo tỉnh, trang thông tin điện tử của các cấp chính quyền địa phương và thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả, tiếp nhận và giải đáp kịp thời những phản hồi về chương trình giảm nghèo. 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và hằng năm; triển khai có hiệu quả để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Có ít nhất 1 chuyên mục được phát sóng hằng tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và ít nhất 1 chuyên trang trên báo Thừa Thiên Huế về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trên 80% các xã có ít nhất 01 - 02 chương trình phát thanh/tuần về giảm nghèo bền vững trên đài truyền thanh xã...
Để đạt những mục tiêu nói trên, Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung như: Tập trung tuyên truyền những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình) và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 03/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế Khóa XVI về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Truyền thông, thúc đẩy hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông; tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động xã hội, hội thảo, hội nghị; sản xuất các tác phẩm truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử về kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả và gương điển hình vươn lên thoát nghèo. Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách; các hình thức sáng tạo như hội thi, trò chơi truyền hình, sân khấu hóa để thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm…
Theo đó, tập trung vào các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông về Chương trình. Đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông; xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên thuyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình; thường xuyên nâng cấp, cập nhật các nội dung thông tin về Chương trình, chính sách giảm nghèo lên trang Thông tin điện tử về giảm nghèo của tỉnh...
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, các chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Từ năm 2022 đến hết năm 2025, công tác truyền thông sẽ tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác giảm nghèo và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hướng đến giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chiều thiếu hụt. Đối với địa bàn hai huyện nghèo, thực hiện mục tiêu từng bước xóa bỏ tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn trên cơ sở tập trung, lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đối với hộ nghèo, đổi mới phương thức hỗ trợ thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư); hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, tài sản, hiện vật hoặc tiền; từng bước xóa bỏ chính sách cho không.
Tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác giảm nghèo bền vững; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện các công tác truyền thông, vận động người dân vùng nghèo, vùng khó khăn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tiếp cận và hưởng thụ các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội. Truyền thông, thông tin về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Các hình thức truyền thông sẽ được triển khai bao gồm: Truyền thông, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong triển khai các hoạt động truyền thông về giảm nghèo. Tổ chức các cuộc thi báo chí, thi văn hóa, văn nghệ; hội nghị, hội thảo; các cuộc vận động, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giảm nghèo nói chung, nâng cao kỹ năng truyền thông, thông tin về giảm nghèo nói riêng đối với đội ngũ cán bộ; phóng viên, biên tập viên; phát thanh viên, tuyên truyền viên; tổ chuyển đổi số cộng đồng xã, phường, thị trấn; thôn, tổ dân phố”; người làm công tác giảm nghèo; tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo với cán bộ và người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Cùng với đó in ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu; giới thiệu các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về công tác giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo qua tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Diệu Thúy, Thu Hà, Lê Thúy, Hồng Khanh, Đức Yên, Hoàng Hà, Nguyễn Lâm và nhóm PV