Giảm nghèo bền vững: Chấm dứt các hình thức nghèo ở mọi nơi

Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và đảm bảo tiêu chí thu nhập bằng cuộc sống tối thiểu.

Thưa quý vị và các bạn, 

Giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể và được quốc tế ghi nhận.

Nhận thức chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều.

Đặc biệt, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và được thực hiện trên phạm vi cả nước. Là một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Qua một thời gian triển khai Chương trình, đến nay đã có những thông tin về kết quả thực hiện các dự án thành phần đến ngày 31/3/2023. Nhân dịp này, Báo VietNamNet tổ chức Tọa đàm “Giảm nghèo bền vững: Chấm dứt các hình thức nghèo ở mọi nơi”.

Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời:

Nguyễn Ngọc Ánh, Chuyên viên cao cấp Vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc.

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Xin mời quý vị theo dõi video Tọa đàm tại đây:

Rút ngắn khoảng cách các chiều thiếu hụt 

Nhà báo Lê Thuý: Câu hỏi đầu tiên xin hỏi ông Bình, để xác định hộ nghèo, phương pháp đo lường hiện nay dựa vào các tiêu chí gì? Tiêu chí của Việt Nam đã tiệm cận thế giới chưa, thưa ông? 

Ông Nguyễn Lê Bình: Thưa quý vị khán giả, cùng với quá trình phát triển của đất nước, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia để đảm bảo phù hợp với tình thực tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.  

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 bao gồm tiêu chí về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin. Do vậy, để xác định được hộ nghèo thì chúng ta cần dựa trên những tiêu chí này.

Với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và đảm bảo tiêu chí thu nhập bằng cuộc sống tối thiểu.

Nhà báo Lê Thuý: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Uỷ ban Dân tộc đang có những chương trình gì nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng lõi nghèo (vùng dân tộc thiểu số), thưa bà Ánh? 

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Như chúng ta biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc theo số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nhằm giải quyết những vấn đề cốt lõi về nghèo đói của vùng dân tộc thiểu số hiện nay như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất… Chính sách quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư nơi cần thiết và tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đầu tư cơ sở sản thiết yếu để phục vụ sản xuất, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và bảo tồn, phát huy những giái trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với du lịch.

Ngoài ra, có các dự án nâng cao thể trang, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, cũng như đầu tư phát triển cho các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Nhà báo Lê Thuý: Thưa ông Bình, được biết thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều giải pháp cụ thể để giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Xin ông chia sẻ rõ hơn về giải pháp tạo việc làm cho người lao động trong hộ nghèo, hộ cận nghèo? 

Ông Nguyễn Lê Bình: Thực tế, trong quy định của Hiến pháp cũng như Luật Việc làm, Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ rõ quyền an sinh xã hội, đặc biệt là quyền làm việc của người dân.

Để thực hiện các quyền đó thì người lao động thuộc hộ nghèo được Chính phủ hỗ trợ bằng rất nhiều chính sách về tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Ví dụ như chính sách cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất hộ gia đình, chính sách hỗ trợ đa dạng hóa xây dựng phát triển và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, hay chính sách hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đối với người lao động, trong chính sách hỗ trợ người dân nghèo đi lao động tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ tiền đào tạo, tiền bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở lại trong quá trình tham gia đào tạo. Ngoài ra, còn các chi phí khác như tư vấn cho người lao động và người thân trong gia đình để giúp họ có sự đồng thuận trước khi người lao động đi lao động nước ngoài. Chúng ta cũng hỗ trợ giao dịch việc làm miễn phí, hỗ trợ kết nối việc làm để đảm bảo những người lao động và người sử dụng lao động gặp nhau.

Nhà báo Lê Thuý: Đào tạo nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng dân tộc thiểu số được coi là chìa khoá quan trọng giúp người dân có kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thưa bà Ánh, chúng ta đã và đang có những chính sách gì để đẩy mạnh nội dung này? 

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Như chúng ta đã biết, đào tạo nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chính sách không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian qua, chính sách đào tạo nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp luôn được quan tâm và ban hành nhiều chính sách.

Hiện nay, chính sách đào tạo nghề đã được lồng ghép vào trong Chương trình mục tiêu của Dự án 5, Tiểu dự án 3 và đã bố trí hơn 12.000 tỷ đồng thực hiện.

Việc bố trí này nhằm tập trung vào xây dựng các mô hình đào tạo nghề và đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo. Hỗ trợ người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Cung cấp thông tin thị trường lao động dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp và học nghề, việc làm, dịch vụ hỗ trợ việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số.

Từ trái qua: Nhà báo Lê Thuý, bà Nguyễn Ngọc Ánh và ông Nguyễn Lê Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Nhà báo Lê Thuý: Không đợi cầm tay chỉ việc, nhiều người nghèo đã tự tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay trong sản xuất, những giải pháp thoát nghèo cho bản thân và gia đình. Đây thực sự là những tấm gương điển hình cần được lan toả, tạo động lực cho người nghèo khác. Xin ông Bình chia sẻ một số tấm gương ở địa phương đã làm tốt điều này?

Ông Nguyễn Lê Bình: Thực tế chúng ta thấy qua nhiều giai đoạn, việc tuyên truyền tốt thì có rất nhiều hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo.

Trong chuyến công tác gần nhất của tôi đến xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chẳng hạn. Tôi có gặp và tiếp xúc với hai vợ chồng trẻ, họ mất việc làm ở Hải Dương thì quay trở về quê.

Khi đó, hai vợ chồng họ rất năng động, sáng tạo. Qua tìm hiểu và được cán bộ xã, các cán bộ kỹ thuật giới thiệu, hướng dẫn về chăn nuôi lợn đen bản địa, cặp vợ chồng này đã mạnh dạn vay vốn để mua hai con lợn nái và xin chị gái một con. Bên cạnh đó, họ đề xuất Chương trình giảm nghèo của xã hỗ trợ thêm một con lợn nữa. 

Sau 5 tháng, họ đã có hai con lợn nái đẻ được 11 con nhỏ; hai con còn lại đều đang mang thai. Trao đổi với hộ gia đình thì tôi được biết, sau một thời gian nữa, họ sẽ bán số lợn nhỏ đó để lấy tiền, một phần sửa sang lại ngôi nhà, phần còn lại để tiếp tục đầu tư cho đàn lợn lớn thêm.

Đấy chính là một trong những nỗ lực của người dân đồng bào dân tộc thiểu số và các bạn trẻ thuộc hộ gia đình nghèo. Tôi nghĩ đây là một trong những tấm gương sáng cần lan tỏa để các hộ nghèo khác có thể học tập, vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Chuyên viên cao cấp Vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân Tộc. Ảnh Lê Anh Dũng.

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Ánh, ngoài vấn đề về giảm nghèo thu nhập, nhu cầu của đồng bào vùng dân tộc thiểu số chiếu theo tiêu chí mới còn có những chiều cạnh khác. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, chúng ta có những chính sách gì đẩy mạnh những chiều cạnh còn lại? 

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Trong giai đoạn hiện nay, để rút ngắn khoảng cách các chiều thiếu hụt về việc làm, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin… Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ví dụ về việc làm, tại Dự án 5, Tiểu dự án 3 đã bố trí hơn 12.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm.

Về y tế, tại Dự án 7 đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện. Ngoài ra, Bộ Y tế còn có các chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn và các chính sách hỗ trợ đi lại cho người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh.

Về giáo dục, tại Dự án 5, Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 cũng bố trí hơn 9.900 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, học sinh sinh viên. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, gạo, hỗ trợ học phẩm cho học sinh dân tộc thiểu số cũng như học sinh ở các trường nội trú, bán trú.

Về chính sách đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, tại Dự án 1, Dự án 2 đã bố trí hơn 18.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ các chiều thiếu hut đó,

Về thông tin thì tại Dự án 10, Tiểu dự án 2 cũng bố trí hơn 1.500 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào tiếp cận các thông tin để phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngoài ra, còn có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào được sử dụng điện thoại cố định, điện thoại di động mặt đất với cước phí ưu đãi...

Tuyên truyền khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Nhà báo Lê Thuý: Để đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều mà Chương trình đã đặt ra, chúng ta cần làm gì để khơi dậy ý chí tự thân vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi? Những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ hiện nay, thưa hai vị khách mời?

Ông Nguyễn Lê Bình: Theo tôi, công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo đối với người dân là giải pháp rất quan trọng. Đây là giải pháp đầu tiên nêu trong Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2030.

Do vậy, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư, các cơ quan báo chí, xuất bản đã tích cực tuyên truyền, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình kinh nghiệm hay trong công tác giảm nghèo bền vững. Ví dụ như cuộc trao đổi với chúng ta ngày hôm nay cũng là một cách tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người nghèo. 

Để động viên hướng dẫn hộ nghèo, người nghèo có kiến thức, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước cũng như xã hội thông qua các hoạt động như: dự án mô hình giảm nghèo, dạy nghề, tham quan học hỏi các mô hình hay, cách làm giỏi… Đây là một trong những giải pháp giúp người nghèo bớt ỷ lại và tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về vấn đề tâm lý, cách làm.

Ngoài ra, chúng ta cần phải đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực thoát nghèo cho người dân và cộng đồng, phấn đấu vì một Việt Nam không còn đói nghèo.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Tôi cũng nhất trí với ý kiến anh Bình.

Đầu tiên, chúng ta phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, hỗ trợ người dân được tiếp cận những thông tin và công nghệ số hiện nay. Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường cũng như tính cần cù, chịu thương chịu khó vốn có của đồng bào.

Thứ hai là tạo điều kiện cho người dân được tham quan các mô hình sản xuất tốt để có thể học tập, noi gương theo, cũng như phát huy các giá trị, kiến thức bản địa để người dân tự tìm thấy được những giải pháp sinh kế phù hợp với mình, lựa chọn những sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng dân tộc thiểu số. Từ đó tạo điều kiện giúp đồng bào phát huy được những lợi thế, phát huy nội lực, tránh sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng theo pháp luật để những người có tài năng, ưu tú có cơ hội tiếp cận vươn lên thoát nghèo.

Nhà báo Lê Thuý: Một trong những hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn trước là tình trạng nghèo ở vùng lõi nghèo còn cao. Theo bà Ánh, nguyên nhân này do đâu? Trong giai đoạn mới, cần phải làm gì để giúp vùng này hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia? 

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu dân và chiếm 14,7 % tỷ lệ dân số trong cả nước. Hầu hết các dân tộc thiểu số đều sinh sống ở những vừng núi cao, biên giới, vùng sâu vùng xa với địa hình chia cắt phức tạp.

Bên cạnh đó, khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt hơn và thiên tai thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm xuất phát kinh tế của vùng đồng bào thì thấp hơn miền xuôi, suất đầu tư ở vùng đồng bào cũng lớn hơn, đòi hỏi nhiều nguồn đầu tư hơn.

Bên cạnh đó, trình độ nhận thức cũng như chất lượng nguồn nhân lực của vùng đồng bào còn hạn chế. Nhận thức của một số cán bộ về công tác dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện, vì vậy, khi chỉ đạo về công tác dân tộc thực sự chưa được quan tâm, quyết liệt. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc thực hiện chính sách dân tộc cũng như việc đi sâu sát cơ sở để nắm tình hình thực tế còn hạn chế.

Từ trước đến nay, khi thực hiện chương trình mục tiêu, nguồn lực đầu tư chính sách rất hạn chế, thường không cấp đủ vốn như chính sách đã được ban hành. Điều này gây ra ảnh hưởng trong việc thực hiện chính sách và cũng làm cho các bộ ngành, địa phương không chủ động, thường bị động trong thực hiện chính sách. 

Hơn nữa, công tác tuyên truyền có nơi còn làm chưa tốt nên chưa thu hút được sự tham gia tối đa của đồng bào. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Nhà báo Lê Thuý: Thưa ông Bình, mới đây, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đưa ra số liệu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều vẫn còn 2,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%. Vậy ông đánh giá thế nào về kết quả này? 

Ông Nguyễn Lê Bình: Con số mới nhất theo Quyết định số 71 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022 thì tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo) cả nước là 7,52%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 4,03%, nghĩa là gần 1 triệu hộ và tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,49%, nghĩa là khoảng 900.000 hộ.

Còn tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo thì lên đến 55,45%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 38,62% và hộ cận nghèo là khoảng 17%.

Thành quả trên là kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác giảm nghèo nói riêng qua các thời kỳ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, hỗ trợ cho chính người nghèo và sự chung tay của toàn xã hội.

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Đặc biệt như huyện nghèo là trên 55%, còn giảm nghèo thì chưa bền vững, có thể nay thoát nghèo nhưng ngày mai lại tái nghèo chỉ sau một cơn bão, hoặc gia đình xảy ra việc đột xuất chẳng hạn. Đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như chị Ánh vừa trao đổi thì thành quả giảm nghèo cũng có nhưng còn hạn chế.

Do vậy, chúng ta vẫn phải xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Đặc biệt, chính bản thân người nghèo phải có ý thức tự lực, vươn lên thoát nghèo thì mới đạt được kết quả như mong muốn.

Quyết tâm cao trong triển khai thực hiện

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Ánh, vấn đề quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo đa chiều vẫn là đảm bảo được yếu tố bền vững. Vì vậy, phải làm sao để hạn chế tình trạng tái nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi?  

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Như chúng ta biết, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao và cao gấp 4 lần so với tỷ lệ chung cả nước. 

Để hạn chế tình trạng tái nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo tôi, trước hết vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân rất quan trọng. Sau đó, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận chính sách từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển để người dân phát huy nội lực của mình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nghề, việc làm. Khi có việc làm thì đồng bào dân tộc thiểu số sẽ xoá nghèo bền vững hơn.

Các chính sách giảm nghèo cần hỗ trợ theo nhóm cộng đồng để các nhóm cộng đồng quyết định, tự thực hiện thì sẽ phát huy thế mạnh của địa phương cũng như các phong tục, tập quán của đồng bào tại chỗ.

Ngoài ra, phải chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tình trạng chỉ sau một trận ốm đau, họ đã rơi vào tái nghèo. Cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời khi họ bị thiên tai, dịch bệnh, tránh việc đi vay mượn, dẫn đến tái nghèo.

Hỗ trợ một phần để giúp người nghèo có thể tham gia các hoạt động sản xuất kinh tế như hỗ trợ con giống, cây giống, phân bón, vật tư và hướng dẫn người phát triển sản xuất, kinh doanh theo điều kiện của từng gia đình. Quan trọng nhất là phải bố trí cán bộ khuyến nông cơ sở để giúp cho người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn giống cây con phù hợp với điều kiện của người dân. Làm sao từng bước hướng dẫn người nghèo sản xuất hàng hoá tập trung, tiếp cận thị trường để có những sản phẩm có giá trị thị trường cao hơn mới xoá nghèo bền vững. 

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để hạn chế tình trạng tái nghèo. 

Nhà báo Lê Thuý: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiên mục tiêu giảm nghèo trong những tháng cuối năm 2023. Liệu mục tiêu này có đạt được khi ở một số địa phương vẫn còn lúng túng trong thực hiện nên chưa thúc đẩy tiến độ triển khai chương trình như kỳ vọng, thưa ông Bình? 

Ông Nguyễn Lê Bình: Thực tế đi công tác tại địa phương cũng như qua phản ánh từ một số địa phương thì đúng là một số nơi vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Một trong những nguyên nhân chính là do thay đổi cơ chế quản lý và điều hành ở cả ba chương trình mục tiêu quốc gia, không riêng gì Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt là trong giai đoạn này, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương. Vì vậy, do trước đây quen với sự hướng dẫn của Trung ương, nay khi phân cấp, phân quyền mạnh hơn thì địa phương phải tự ban hành cơ chế rồi tự vận hành theo đặc thù của đơn vị mình nên có những lúng túng nhất định trong việc triển khai thực hiện.

Vừa qua, để giải quyết vấn đề đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành giải đáp tất cả các vướng mắc của địa phương, nhất là Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rất rõ trách nhiệm giải quyết của từng bộ, ngành.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 để sửa đổi bổ sung Nghị định 27 về cơ chế quản lý điều hành chương trình, tháo gỡ ngay một số vướng mắc về cơ chế cho các địa phương. Đồng thời, các bộ cũng đã ban hành thông tư sửa đổi để giải quyết vướng mắc chuyên môn. Ví dụ, Ủy ban Dân tộc đang sửa Thông tư 02, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đợt tới sửa Thông tư 09, Bộ Tài chính sửa Thông tư 46, 53, 15...

Để đẩy nhanh việc thực hiện chương trình từ nay đến cuối năm, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương trong thay đổi cơ chế chính sách thì các địa phương cũng cần phải rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương nhằm đảm bảo cơ chế điều hành phù hợp với đặc thù của mình.

Ngoài ra, địa phương cũng phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ, coi nhiệm vụ nào là ưu tiên cần phải đẩy nhanh, nhiệm vụ nào có thể làm từng bước kết hợp. Nhất là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp vì vốn sự nghiệp đầu tư trực tiếp cho con người, nếu giải ngân chậm thì sang năm sau người dân sẽ không được hưởng. Do vậy, kéo dài mãi thì rất lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, việc phân cấp phân quyền phải thực hiện theo tinh thần là cấp tỉnh sẵn sàng làm thay cho cấp huyện, cấp huyện làm thay cho cấp xã, nếu cấp dưới vướng mắc, chưa làm được. Tuy nhiên, cứ làm thay là cấp dưới không làm gì cả mà cấp trên vừa làm thay nhưng đồng thời vừa hướng dẫn, vừa cầm tay chỉ việc. Đặc biệt đối với các cơ sở thì càng làm rõ và càng đẩy mạnh việc này.  

Ban chỉ đạo các cấp ở địa phương cũng cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính kết nối và thúc đẩy giữa các ngành vì mục tiêu chung là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra đôn đốc, theo dõi. Ở đây không phải đi kiểm tra để vạch ra những cái lỗi sai của nhau mà kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho cấp dưới. Ngoài ra, nhắc nhở hướng dẫn tránh việc làm sai, tránh việc lợi dụng để xảy ra thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Nhà báo Lê Thuý: Hiện nay, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Xin bà Ánh cho biết những khó khăn trong quá trình triển khai thời gian qua? Với tiến độ thực hiện chương trình như hiện nay, chúng ta có khả năng hoàn thành các mục tiêu chương trình vào năm 2025?

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Như chúng ta biết, Uỷ ban Dân tộc lần đầu tiên có Chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình bao gồm 10 dự án thành phần với tất cả các lĩnh vực toàn diện để hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có nhiều bộ, ngành tham gia. Cho nên, đây cũng là một trong những khó khăn vì làm sao kết nối được các bộ, ngành với nhau cùng thực hiện và cùng đưa ra những hướng dẫn kịp thời.

Ngoài ra, như anh Bình nói, trong giai đoạn vừa qua, Uỷ ban Dân tộc đã ban hành các thông tư hướng dẫn các nghị định nhưng khi triển khai lại gặp vướng mắc. Đến nay, các bộ, ngành vẫn đang phải hướng dẫn, sửa đổi lại và cũng đang trông chờ vào những hướng dẫn của Bộ Tài chính, là cái cốt lõi để các bộ, ngành làm các thông tư theo đó. Đây là khó khăn để địa phương tiến hành triển khai.

Bên cạnh đó, một số địa phương thực sự chưa chủ động, kịp thời trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản thuộc thẩm quyền địa phương. Việc ban hành các văn bản bị kéo dài thời gian do phải thông qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân tại địa phương, điều này mất nhiều thời gian.

Hơn nữa, trong tổ chức thực hiện, một số địa phương còn chậm trễ phân bổ, giao kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước, trong khi đó thì vốn tập trung giải ngân năm 2023 rất lớn vì đã chuyển vốn từ năm 2022 sang. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân và khiến cho những tháng cuối năm rất vất vả để việc giải ngân kịp thời.

Câu hỏi là có hoàn thành hay không hoàn thành thì bắt buộc là phải hoàn thành. Đấy là mục tiêu đặt ra phải đạt được. Hiện nay, Quốc hội rất quan tâm và thường xuyên giám sát để thúc đẩy quá trình thực hiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên có những chỉ thị, công điện để đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện. Các bộ, ngành cũng quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện chương trình. Tôi nghĩ mục tiêu trong năm 2025 sẽ phải đạt được.

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông

Nhà báo Lê Thuý: Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội cũng như huy động nguồn lực đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo đa chiều, theo quan điểm của ông Bình, công tác truyền thông giảm nghèo đa chiều cần được triển khai thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Nguyễn Lê Bình: Công tác truyền thông vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo. Theo tôi, để đạt được hiệu quả thì truyền thông nên có 2 vòng.

Thứ nhất, vòng ngoài là truyền thông thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ví dụ: qua đài, báo, sân khấu, cuôc thi… Chúng ta làm công tác truyền thông về chủ trương, chính sách, những tấm gương mô hình hiệu quả… và cần thực hiện thường xuyên, liên tục từ cấp Trung ương đến cơ sở.

Thứ hai là cần phải tuyên truyền trực tiếp tới người dân thông qua việc tìm hiểu nhu cầu của họ. Chúng ta gợi ý để người dân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng là họ có gì và mong muốn điều gì. Từ đó, tìm ra chính sách mới phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và hướng dẫn cách làm cho người dân. Đồng thời dẫn chứng những tấm gương điển hình để họ tự tin hơn trong quá trình tham gia.

Tôi nghĩ, khi người nghèo nắm rõ nhu cầu bản thân mình, những chính sách mình được hưởng và cách làm mà những người hướng dẫn chia sẻ thì bản thân người nghèo sẽ tự tin hơn, họ sẽ sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ sản xuất, các dự án sản xuất cộng đồng… Với cách làm truyền thông như vậy, tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn việc chỉ truyền thông thông qua báo chí.

Đổi mới cách tiếp cận, hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đảm bảo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Nhà báo Lê Thuý: Củng cố an sinh xã hội chính là thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Xin cho biết quan điểm của hai vị khách mời về hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho vùng lõi nghèo? 

Bà Nguyễn Ngọc Ánh: Vấn đề an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được ban hành. Các chính sách đã bao quát toàn diện 5 lĩnh vực sinh xã hội như việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh khó khăn và bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.

Các chính sách ban hành theo 5 lĩnh vực đã tạo chuyển biến tích cực đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được các kết quả khả quan. Ví dụ như chính sách bảo hiểm y tế thì gần như 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ chi phí tiền ăn ở, đi lại cho người nghèo, người dân tộc thiểu số cũng như nông dân vùng đặc biệt khó khăn.

Với chính sách y tế, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào luôn thực hiện theo hướng ưu tiên giải quyết các vấn đề vấn đề sức khỏe và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Các chính sách bảo hiểm xã hội thì ngày càng tốt hơn và đã bổ sung sửa đổi càng phù hợp với nền kinh tế thị trường. Các chế độ bảo hiểm xã hội đã bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và quyền thụ hưởng của người lao động. Cụ thể như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và áp dụng chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Có các biện pháp tăng cường nhằm bảo đảm tài chính cho hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo đảm sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội giữa các thành phần kinh tế.

Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đề ra mục tiêu mở rộng bao phủ và hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định được vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Hy vọng trong thời gian tới, bảo hiểm xã hội sẽ ngày càng tốt hơn cho người lao động.

Ông Nguyễn Lê Bình: Điều 34 Hiến pháp quy định quyền rất quan trọng đối với người dân đó là quyền đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta đã cụ thể hoá việc thực hiện bằng rất nhiều chủ trương của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước, kể cả trong luật. Ví dụ như Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ luật Lao động, kể cả Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi. 

Chúng ta đang trao đổi về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thì đây là những giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Theo quan điểm của tôi, chính sách giảm nghèo, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đều là những chính sách rất là quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội.

Về chính sách giảm nghèo bền vững, trước đây là chính sách xoá đói, sau này phát triển hơn mới có chính sách giảm nghèo và ngay từ ngày thành lập nước chúng ta đã có quan điểm về vấn đề này.

Với chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, năm 2022, cả nước đã có 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 92%, vượt so với mục tiêu đề ra là 90%. Đây là một thành tựu rất đáng kể. Trong số 91 triệu dân tham gia bảo hiểm y tế thì người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng theo luật.

Đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, khi thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương từ năm 2019 đến nay, Nhà nước đã thay đổi chính sách hỗ trợ cũng như thay đổi cách thức tổ chức thực hiện. Tổng số người tham gia bảo hiểm tự nguyện năm 2022 đã đạt được 1,46 triệu người, nghĩa là gấp 5 lần so với từ năm 2009 đến năm 2018; tức là sau 3 năm đã gấp 5 lần so với 10 năm trước đây.

Tuy đạt được thành tựu như vậy nhưng không phải không có hạn chế, nhất là hạn chế về chế độ đối với mức đóng, chế độ thụ hưởng chưa thực sự hấp dẫn nên những người tham gia bảo hiểm tự nguyện chưa được như kỳ vọng. 

Do vậy, để đạt được mục tiêu là xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, hiện đại, thích ứng linh hoạt, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau thì cần đổi mới về chính sách giảm nghèo, đổi mới cách tiếp cận, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo để đảm bảo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần phải thay đổi, bổ sung các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Đây là những trụ cột quan trọng đặc biệt đối với vùng lõi nghèo. 

Đối với bảo hiểm y tế, để thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, cần phải đa dạng hóa các gói bảo hiểm cũng như dịch vụ y tế để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

Đối với chính sách bảo hiểm tự nguyện, cần tăng cường hỗ trợ cho người nghèo, lao động nông nghiệp, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm vì việc tiếp cận của khu vực này còn rất khó khăn.

Chúng ta cũng có chính sách để lao động không có hợp đồng lao động tham gia  bảo hiểm xã hội để thụ hưởng chế độ, đặc biệt là bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp. Trên thực tế, điều này xảy ra rất nhiều và nhiều người không tham gia bảo hiểm sau này không may bị tai nạn thì rơi vào đối tượng nghèo. Đối tượng nghèo này thực sự rất khó để có thể giúp họ thoát nghèo vì mất sức lao động và trở thành đối tượng bảo trợ xã hội.

Thưa quý vị và các bạn, 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc từ 1 - 1,5%, đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 3% và các huyện nghèo là từ 4 đến 5%.

Những con số này cho thấy quyết tâm cao của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo đói trước thời hạn.

Phía trước vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên với nền tảng và kinh nghiệm của giai đoạn trước cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ sớm đạt được kế hoạch đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị độc giả đã dành thời gian theo dõi.

Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

VietNamNet (thực hiện)

Phát huy vai trò người có uy tín truyền tải chính sách tới các dân tộc Hà Giang

Trong những năm qua, việc phát huy tốt vai trò của người có uy tín đã giúp tỉnh Hà Giang kịp thời truyền tải những chính chính sách, chủ trương đến tới công đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống để nâng cao đời sống vùng dân tộc Bắc Mê

Kể từ khi Nghị quyết 27 được đề ra và thực hiện, cuộc sống và kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Bắc Mê, Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực.

Vườn cam "chuyển đổi số", người dân dùng internet trao đổi với chuyên gia

Vườn cam chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ thông tin hiện đại để kết nối, tham vấn các chuyên gia đã trở thành mô hình đáng được nhân rộng của tỉnh Hà Giang.

Nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Quang Bình

Trong những năm qua, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhân thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

NTM Hải Dương: Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tại tỉnh Hải Dương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp đã cho những sản phẩm có giá trị cao.

Nghề truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn giúp giảm nghèo hiệu quả

Hiện nay, nhiều gia đình người Tày ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông, Bắc Kạn) mỗi ngày sản xuất gần 1 tạ phở khô, giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tháng lãi hơn 10 triệu đồng góp phần không nhỏ nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Tín dụng chính sách đồng hành cùng bà con Vĩnh Long thoát nghèo

Sự đồng hành của đồng vốn tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong 20 năm qua đã thực sự là động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế chung trên địa bàn.

Phụ nữ Cơ ho làm giàu từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Từ làm nông nghiệp công nghệ cao, bình quân mỗi năm khu vườn hơn 2 ha ớt chông của gia đình chị Hồng có thể thu về 6 - 7 tỷ đồng.

Người dân Bình Thuận giảm nghèo, có nước sạch nhờ vốn vay ưu đãi

Trong những năm qua, vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo và gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở Bình Thuận.

Giải pháp giảm nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số

Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc giảm nghèo thông tin, hỗ trợ người dân tiếp cận Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn nhiều khó khăn.