Mời quý độc giả theo dõi video:

Mục tiêu huyện Nam Đàn đặt ra là hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, hàng năm giải quyết việc làm cho 4.000 - 4500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 1.500 - 2.000 người.

Năm 2023 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,86% so với năm 2022 là 0,87% (giảm được 0,01%). 100% hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin; 80 - 90% lao động hộ nghèo được giải quyết việc làm; 65- 75% hộ nghèo được sử dụng nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế; 90% trở lên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo, bồi dưỡng nghề; 90 - 95% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia các đợt tập huấn kiến thức khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; 100% hộ nghèo, cận nghèo được phân loại nguyên nhân nghèo và có biện pháp giảm nghèo phù hợp.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh triển khai rất nhiều các chính sách, chủ trương, một trong những giải pháp mà Nam Đàn đã áp dụng thành công là vực dậy và tiếp sức các làng nghề, ngành nghề truyền thống.

Với xứ Nghệ, khi nhắc đến đặc sản của địa phương, không thể không nhắc đến tương Nam Đàn nổi tiếng thơm ngon. Nghề làm tương ở Nam Đàn đã có từ rất lâu (khoảng thế kỷ 15 và phát triển mạnh vào thế kỷ 18), ban đầu chỉ một số hộ làm. Đến nay đã phát triển thành một làng nghề và vẫn giữ được nét truyền thống.

Thời gian qua, chính quyền huyện Nam Đàn luôn có chính sách quan tâm, tạo điều kiện một mặt nhằm bảo tồn làng nghề phát triển, một mặt nhằm góp phần giữ ổn định thu nhập, thậm chí gia tăng cho người dân.

Để nâng tầm sản phẩm, góp phần lưu giữ và lan tỏa sản phẩm mang đặc trưng của quê hương, chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ nhiều hộ dân giữ gìn nghề làm tương cổ truyền.

Huyện khuyến khích người dân trồng 300 - 400ha đậu tương truyền thống, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu ở bên ngoài như hiện nay. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công dày dặn kinh nghiệm, hiện nay, làm tương là một trong những nghề mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, sản phẩm đã khẳng định được uy tín trên thị trường cả nước.

Đáng chú ý, thương hiệu “Sa Nam Hương Dương” của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2019, đồng thời được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Hàng năm, cả hợp tác xã tương truyền thống Sa Nam sản xuất 250 nghìn lít. Sản phẩm làm ra được kí với các đại lí, các cửa hàng rau sạch của các thành phố, nhà hàng. Không chỉ tiêu thụ ở miền Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên hay Hải Dương thì tương Sa Nam rất được thực khách ở Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai…ưa chuộng.

Nghề làm tương hiện nay không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho hợp tác xã mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mùa du lịch, tương không đủ để bán, đặc biệt, nhờ nghề làm tương đa số hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ có khoản thu nhập ổn định bình quân từ 5 đến 6 triệu/tháng/ người.

Nam Đàn hiện vẫn đang là huyện nông nghiệp. Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cùng với sự năng động, thích ứng nhu cầu của thị trường của người dân, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều khởi sắc theo hướng hàng hóa. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng phát triển đa dạng. Đây là cơ sở quan trọng để huyện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP theo chủ trương chung của Chính phủ và Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.

Thùy Chi - Đức Yên