Lai Châu là tỉnh vùng cao có 20 dân tộc cùng sinh sống. Người dân tộc thiểu số chiếm trên 85%. Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, bền vững. Chữ viết là một thành tố cơ bản của văn hóa, tuy nhiên, trên thực tế, thành tố này đang có nguy cơ mai một ở một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lai Châu có 6 dân tộc được xác định là có chữ viết, gồm: Dao, Thái, Mông, Lào, Lự, Hoa. Tuy nhiên, hiện chỉ có 02 dân tộc (Thái, Dao) sử dụng chữ viết dân tộc trong hoạt động văn hóa, nhưng số người biết viết chữ này không nhiều. Nhận thấy nguy cơ mai một chữ viết người Dao và thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trị thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, những năm qua, huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu xác định, bảo tồn chữ viết người Dao là một trong nhiệm vụ quan trọng để bảo tồn văn hóa dân tộc này trên địa bàn.

Dân tộc Dao có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Trong quá trình phát triển, văn hoá dân tộc Dao đã hình thành và phát triển hệ thống chữ viết của riêng mình. Chữ Nôm Dao là hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Người Dao dùng chữ để ghi chép những kiến thức tự nhiên và xã hội, phản ánh mọi mặt trong đời sống, đồng thời lưu giữ thông tin về tổ tiên, nguồn gốc, tập quán, lễ tết… Ngày nay, trước sự giao thoa giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại, thế hệ trẻ không biết hoặc biết rất ít chữ viết dân tộc mình. Thực tế những văn bản chữ Hán - Nôm Dao không được dùng hoặc sử dụng rất ít, chỉ những người Dao làm thầy Tào, thầy cúng mới học và thực hành loại chữ này. 

Bản Nậm Sáng, xã Phúc Than là bản người Dao duy nhất của huyện Than Uyên. Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc Dao, trong đó khuyến khích giới trẻ người Dao học chữ dân tộc đã và đang được chính quyền xã Phúc Than quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Những già làng, người uy tín được vận động, tạo điều kiện để tham gia chia sẻ, giảng dạy cho con cháu trong bản. 

Trước đây, trong đồng bào dân tộc Dao chỉ có nam giới mới được học chữ, nhưng ngày nay, dù nam hay nữ, già hay trẻ đều có thể đăng ký và theo học các lớp dạy chữ nôm Dao. Không chỉ chữ viết mà văn hóa truyền thống của dân tộc cũng đang được bà con người Dao ở Lai Châu nỗ lực gìn giữ và phát huy.